Englishen

Top 9 món ăn đặc sản Tây Bắc độc lạ ai cũng muốn thử qua

Thứ bảy, 14/10/2023, 10:00 GMT+7

Ẩm thực vùng cao Tây Bắc luôn khơi gợi một niềm cảm hứng mãnh liệt cho mọi du khách bởi sự độc đáo của các đặc sản trứ danh. Từ nguyên liệu, cách chế biến đến hương vị của các món ăn vùng Tây Bắc đều không thể lẫn vào đâu được. Không gian ẩm thực nơi đây là sự giao thoa văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số miền cao như: người Tày nổi tiếng với “thắng cố”; người H’Mông thì tự hào với món “mèn mèn” hay người Thái được du khách biết đến là quê hương của món cá nướng “pa pỉnh tộp”... Phong vị dân dã, chắt chiu tinh hoa trời đất trong từng nguyên liệu chính là yếu tố làm nên nét độc đáo cho từng món ăn vùng Tây Bắc. Từ những hương vị đậm chất núi rừng, du khách sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn sự phong phú, đa màu sắc của văn hóa nơi miền ngược. 9 đặc sản Tây Bắc mà TSTtourist sẽ giới thiệu sau đây là những món ăn tiêu biểu mà bất kỳ lữ khách nào đến với vùng cao cũng không thể bỏ lỡ.

Đặc trưng của các món ăn Tây Bắc

Món ăn đặc sản Tây Bắc nổi tiếng như thế nào? Đó là câu hỏi mà nhiều người sẽ có cho mình khi du lịch ở vùng núi cao trùng điệp này. Tây Bắc là nơi giao thoa giữa nhiều nền văn hóa, từ người Việt, người Thái, người Mông, người Dao, đến người Tày, Nùng, Giáy... Mỗi dân tộc lại có riêng cho mình một nét ẩm thực độc đáo với các món ăn đặc trưng, phản ánh bản sắc và phong cách sống của họ. Các đặc sản nổi tiếng của Tây Bắc có thể kể đến như: cơm lam, thịt trâu gác bếp, thắng cố, mèn mén, xôi nếp nương, bánh dày... đều có hương vị đậm đà, hấp dẫn và mang rõ chất hoang dã của miền sơn cước.

Ăn món Tây Bắc không chỉ là thưởng thức hương vị, mà còn để cảm nhận được tình cảm, sự hiếu khách và thân thiện của người dân nơi đây. Đặc sản Tây Bắc sẽ luôn là một phần không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực Việt Nam.

9 đặc sản ngon nhất Tây Bắc

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn thường thấy ở vùng núi Tây Bắc

Thịt trâu gác bếp là món ăn thường thấy ở vùng núi Tây Bắc

Món thịt khô quánh, bên ngoài đen màu tro than, bên trong đỏ ửng, thoang thoảng mùi khói đã trở thành đặc sản gắn liền với những địa phương Tây Bắc.

Đây là một kiểu chế biến thịt trâu của người vùng cao, bằng cách để thịt phơi khô trên những mái nhà tranh, sát với bếp lửa. Thịt trâu gác bếp có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt đậm đà và dai dai. Món ăn này thường được dùng với cơm nếp, rau sống và mắm tôm. Ngoài thịt trâu thì người dân còn đem thịt bò, thịt heo rừng hay ốc sông gác bếp, cũng tạo nên vô số những món ăn đậm đà hương vị núi rừng.

Lợn cắp nách

Thịt lợn cắp nách (hay còn gọi lợn Mường Sapa) là một đặc sản vùng cao nổi tiếng của Tây Bắc. Món ăn này được làm từ thịt của giống lợn lai giữa lợn rừng và rừng Mường. Tên gọi “thịt lợn cắp nách” cũng xuất phát từ việc giống lợn này có kích thước nhỏ, được nuôi thả rông, sau đó được người dân bỏ gùi, túi xách hoặc thậm chí cắp nách để đến phiên chợ mua bán, trao đổi.

Thịt lợn cắp nách nổi tiếng thơm, chắc, nhiều nạc, có thể chế biến thành nhiều món như: nướng (phần thịt vai), hun khói, giả cầy (thịt thủ, nầm bụng), om, lòng dồi, luộc, hấp, sườn nấu canh…

Nậm Pịa

Nậm Pịa là đặc sản Tây Bắc thách thức sự dũng cảm của người ăn

Nậm Pịa là đặc sản Tây Bắc thách thức sự dũng cảm của người ăn

Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Thái vùng Tây Bắc, đồng thời cũng là đặc sản thách thức sự can đảm của nhiều du khách.

Nậm hoặc nặm trong tiếng Thái có nghĩa là “nước”. Còn pịa để chỉ chất sền sệt trong ruột non của động vật có thể là bò, dê, trâu… Món ăn này được chế biến bằng cách ninh nhừ với các loại nội tạng của động vật như tiết, lòng, dạ dày, tim, gan, phèo phổi thập cẩm phế lù... sau đó nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Món nậm pịa khá khó ăn cho những người mới lần đầu thưởng thức nhưng lại rất tốt cho dạ dày, giải nhiệt và có lợi cho tiêu hóa.

Cá hồi vân

Cá hồi vân có giá trị dinh dưỡng rất cao, được sử dụng ngày càng rộng rãi

Cá hồi vân có giá trị dinh dưỡng rất cao, được sử dụng ngày càng rộng rãi

Những con suối chảy dưới chân đỉnh Fansipan là mái nhà lý tưởng của cá hồi vân nổi tiếng trời Tây. Loại cá hồi này đặc biệt thơm ngon hơn những loại cá hồi thông thường, do thịt chắc, thớ săn, ít mỡ, màu hồng tươi rất thích hợp để chế biến thành nhiều kiểu khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp… Đối với người dân Tây Bắc thì cá hồi vân sẽ được nấu thành các món ăn đậm đà như lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng…

Thắng cố ngựa

Chảo thắng cố ngựa nghi ngút khói là hình ảnh quen thuộc trong các chợ phiên Tây Bắc 

Chảo thắng cố ngựa nghi ngút khói là hình ảnh quen thuộc trong các chợ phiên Tây Bắc 

Thắng cố ngựa là đặc sản của người H'mông, Tày, Nùng vùng Tây Bắc, nổi tiếng là món ăn không thể vắng mặt trong những bữa ăn vùng cao.

Đặc sản này thường xuất hiện ở những khu chợ phiên, với nguyên liệu chính là thịt ngựa được chế biến vô cùng đặc biệt. Thịt sau khi sơ chế sạch sẽ được tận dụng tất cả các bộ phận như lòng, tim, gan, phổi, tiết, thịt… đến xương để ninh nhừ cùng các loại rau củ như măng, khoai mì, nấm và 12 loại thảo mộc núi rừng Tây Bắc.

Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị rất riêng cho món thắng cố: đậm đà của nước dùng, béo bùi của thịt ngựa và hương thảo mộc nồng nàn. Cách nấu món thắng cố ngựa có thể khác nhau tùy theo từng vùng, có nơi còn dùng thịt bò, thịt trâu để thay thế.

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen gây ấn tượng ngay từ ngoại hình độc đáo

Bánh chưng đen gây ấn tượng ngay từ ngoại hình độc đáo

Tương tự như miền xuôi, bánh chưng là món ăn ngày Tết Cổ truyền của người dân tộc Tày, vùng Tây Bắc, đặc biệt là mang màu đen đặc trưng do được nấu với cây muối.

Món ăn đặc sản Tây Bắc này được làm từ gạo cum, gói bằng lá dong rừng và hoàn toàn được làm bằng tay, không dùng khuôn. Phụ nữ Tày hầu như ai cũng biết gói bánh chưng đen vì quan niệm chiếc bánh được gói chặt, đẹp không bị đổ hay méo mó sẽ giúp họ sớm tìm được tấm chồng như ý. Người Tày còn gửi gắm niềm tin rằng lòng người, núi rừng và đất trời sẽ được hòa quyện trong màu đen của bánh.

Nhân bánh chưng cũng khá giống với món bánh chưng miền xuôi khi được làm từ đậu xanh, thịt heo nhưng sẽ có thêm thảo quả, hạt tiêu rừng để làm dậy nên vị hoang dã của vùng Tây Bắc.

Rượu táo mèo

Rượu táo mèo là một trong các đặc sản quý của Tây Bắc

Rượu táo mèo là một trong các đặc sản quý của Tây Bắc

Hơn cả một món đặc sản của Tây Bắc, rượu táo mèo là một bài thuốc dân gian hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh, với tác dụng bồi bổ sức khỏe, giải nhiệt và chữa các bệnh về đường hô hấp.

Đây là một loại rượu truyền thống của người H'Mông, được làm từ quả táo mèo, một loại quả nhỏ có vị chua và mùi thơm đặc trưng, được trồng tại nhiều ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai…. Quả táo mèo được thu hoạch vào mùa thu, sau đó được ngâm trong nước lọc và men rượu, ủ ít nhất khoảng 3 tháng. Thành phẩm rượu táo mèo sẽ có màu vàng nhạt, hương vị thanh mát và độ cồn cao, được dùng trong các dịp lễ hội, tiếp khách và làm quà biếu.

Cơm lam

Cơm lam thường được ăn kèm với các món nướng đậm vị của vùng Tây Bắc

Cơm lam thường được ăn kèm với các món nướng đậm vị của vùng Tây Bắc

Trong các món ăn đặc sản vùng Tây Bắc, cơm lam là một trong những cái tên nổi tiếng nhất, vô cùng phổ biến ở trong lẫn ngoài nước. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy món cơm lam khi đến vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, một số dân tộc tại Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc…

Cơm lam được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa… bỏ thêm màu thực vật và nướng chín trên lửa. Cơm lam thường được dùng kèm với các đặc sản Tây Bắc khác như thịt lợn rừng nướng, gà nướng… để tăng thêm vị ngon. Từng ống tre mang theo hương vị núi rừng thấm vào từng hạt cơm, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn.

Mèn mén

Mèn mén là một loại thực phẩm truyền thống của người dân tộc ở Tây Bắc, được làm từ bắp nếp, một loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng và dễ trồng trên đất cao.

Trong đời sống người dân Tây Bắc, mèn mén là lương thực chủ yếu thay thế cho gạo lúa, được mang theo để lót dạ khi đi nương, đi rừng. Đặc sản Tây Bắc này có hương vị thơm ngon, bùi bùi, có thể ăn kèm với rau, thịt hoặc cá. Mèn mén còn có ý nghĩa văn hóa quan trọng đối với người dân Tây Bắc, là món ăn dâng lên tổ tiên và thần linh trong các dịp lễ hội, biểu tượng cho sự gắn bó, lòng tôn kính với thiên nhiên, đất trời.

Nếu có dịp đến Tây Bắc, bạn có thể thưởng thức qua các đặc sản mà TSTtourist đã gợi ý ở trên, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến vùng cao.