Englishen

Tục thờ cá Ông của người Lý Sơn

Thứ tư, 06/07/2022, 14:59 GMT+7

Với người dân xứ đảo tiền tiêu, cá voi được sùng kính như vị thần biển cả. Không hiếm những câu chuyện cá ông voi - theo cách gọi sùng kính của người dân nơi đây - đã xuất hiện để đưa họ về với quê hương, gia đình trong cơn hoạn nạn giữa biển khơi.

Cá ông cứu người trong dặm dài biển cả

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) dẫu chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ đất nước, lại càng nhỏ bé hơn trên bản đồ mênh mông giữa đại dương. Nhưng ở đó, có những câu chuyện huyền tích về những con người can trường với biển cả, có những câu chuyện được đời này nối đời kia kể cho nhau nghe về một loài cá được sùng kính như thần. Ngay cả khi chết đi, cũng được tiễn đưa bằng những nghi thức trang trọng nhất.

Hai bộ xương cá voi (cá Ông) 300 tuổi ở di tích Lăng Tân, đảo Lý Sơn được phục dựng thành công

Người Lý Sơn, hay dọc dài các làng biển trên đất nước Việt Nam này vẫn gọi cá voi bằng cái tên cá Ông. Người ta bảo trong lúc nguy nan gió to sóng cả, cá voi thường xuất hiện như vị cứu tinh, dìu thuyền vào bờ. Khi cá chết, trôi dạt vào bờ, luôn được ngư dân chôn cất theo nghi lễ như thần... bên chân sóng biển Đông có những câu chuyện có thực mà như truyền thuyết. Không chỉ là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà Lý Sơn còn là một bảo tàng văn hóa biển, đảo sống động, với nhiều di sản quý hiếm được gìn giữ từ ngàn đời nay. Đây còn là nơi có những di sản thiên nhiên hiếm có trên thế giới, và ở mảnh đất này còn có những con người giàu lòng quả cảm...

Đối với người dân Lý Sơn, biển là nguồn sống. Bởi vậy, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của họ gắn liền với biển. Không chỉ có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, ở đây còn có rất nhiều di sản văn hóa biển, đảo độc đáo. Dọc dài ven biển cả nước, ở các làng chài đều có lăng thờ cá Ông, nhưng không nơi nào có mật độ dày đặc như ở Lý Sơn. Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió với nhiều hiểm nguy, vì thế tục thờ cúng cá Ông đã ăn sâu trong tâm thức của người dân đất đảo, đặc biệt là với ngư dân.

Lão ngư Trương Văn Đông (thôn An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi), đã hơn 60 năm lang bạt trên những con sóng biển. Trong câu chuyện kể, ông Đông cũng tiết lộ chính ông cũng từng được cá Ông cứu nạn khi gặp bão: “Hồi ấy gặp bão lớn lắm, thuyền của tui không chèo được, mọi người phó mặc cho trời xem như chết rồi. Bỗng đâu Ông xuất hiện cặp vào mạn thuyền, dìu thuyền ra khỏi bão đi về phía đất liền. Sau này mỗi khi dân quê tui đi biển gặp khi bão tố bất ngờ, chỉ còn cách khấn Ông cứu mạng, nhờ vậy mà vững lòng tin. Có Ông còn dìu thuyền vào cho đến tận bờ, đuối sức mà lụy...”. Ông Đông còn nhớ một năm đi biển đói, đến tháng 8 Âm lịch rồi mà thuyền ra biển thường chỉ về không, chẳng đủ chi phí nên cả làng chài hoang mang lắm. Rồi một ngày, một Ông lụy bờ. Làng làm lễ táng lớn trong ba ngày ba đêm, lại đặt bài tế dài xin Ông độ trì cho làng qua kiếp nạn. Rồi năm ấy làng chài của ông “thắng” lớn...

Lý Sơn hiện có hàng chục lăng miếu thờ cá Ông có niên đại hàng trăm năm tuổi

Một vị cao niên khác của làng thì tự hào: “Hơn ai hết, ngư dân chính là những người yêu biển, gắn bó với biển nhiều nhất. Ngư dân ở vùng biển đảo quê tui đã làm nên tục thờ cúng cá ông”. Các ngư dân cao tuổi của Lý Sơn nhớ lại, tang lễ cá Ông thường rất lớn, có văn tế, có quan gia hàng huyện trở xuống áo dài khăn đóng đến lạy. Người đầu tiên phát hiện ra Ông lụy được đóng khăn sô chịu tang và thường có nhiều may mắn. Còn đại lễ tế cá Ông hằng năm diễn ra vào mùa xuân cũng là lễ tế thần biển, lễ cầu ngư và bây giờ thì cũng là lễ ra quân đánh bắt xa bờ vụ chính trong năm (vụ cá nam). Bà con góp tiền góp gạo, chính quyền xã đứng ra chủ trì, làm lễ tế ngay nghĩa địa cá Ông, rồi rước linh Ông ra cửa biển, nhúng lưới, cầu ngư để mong một năm làm ăn thắng lợi.

Lăng thờ cá Ông còn là nơi người dân tổ chức các nghi lễ cầu an, hầu thần... Đặc biệt, tại lăng Tân (xã đảo An Vĩnh – đảo Bé) hiện đang thờ cúng bộ xương cá Ông rất lớn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bộ xương cá Ông lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Các bậc cao niên trên đảo cho biết, lăng Tân nguyên thủy được xây dựng khoảng năm 1840, bộ xương cá Ông thờ cúng ở đây cũng có niên đại từ đó. Trước khi ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, ngư dân đều đến lăng cá Ông thắp hương, cầu mong cá Ông phù hộ cho phiên biển được bình an, tàu về tôm, cá đầy khoang. 

Người Lý Sơn vẫn nhớ như in chuyện cá Ông cứu sống thuyền trưởng Nguyễn Công cùng 11 ngư dân ở xã An Vĩnh lạc giữa tâm bão số 9 năm 2009 trên vùng biển Hoàng Sa. Tàu chết máy, chao đảo trong tâm bão khiến các ngư dân hoảng sợ. Trong phút lâm nguy, cá Ông bất ngờ xuất hiện ghé lưng làm điểm tựa cho tàu giữ được thăng bằng, tất cả cuối cùng đã vượt qua cơn bão, trở về an toàn. Sau khi đưa tàu về gần đảo Lý Sơn, dù lưng trầy xước chảy máu, cá Ông bơi lượn một vòng rồi quẫy đuôi quay ra biển.

Ngay cả ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải cùng nhiều thuyền viên cũng từng được cá Ông cứu mạng. Năm 1991, với vai trò thuyền trưởng, ông Chinh cùng 20 ngư dân đánh bắt ở gần vùng biển Hoàng Sa thì gặp bão. Tàu bị chìm, các ngư dân nằm trên lưng cá Ông trôi dạt nhiều ngày liền, vớt rong biển ăn cầm hơi, uống nước tiểu lẫn nhau sống sót qua ngày. Sau đó chúng tôi được tàu của ngư dân Sa Huỳnh kẹp sát, thả ghe thúng đón. Nhưng rồi tàu hết nhiên liệu, phải tháo dàn tre trên tàu làm buồm lợi dụng sức gió để về lại đảo.

Giữa biển cả mênh mông, đảo Lý Sơn vững chãi, hiên ngang. Đất và người nơi hòn đảo tiền tiêu này qua bao đời vẫn thế, chứa đựng trong mình một truyền thống-một bản sắc mà không một nơi nào có được, ở đó luôn dạt dào tình yêu biển, đảo của Tổ quốc, hiển hiện trong tâm thức, đời sống tín ngưỡng và cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân như thể con sóng ngoài khơi không nguôi vỗ bờ.

Những lăng mộ của “thần” cá Ông

Nhiều năm trước, trên những mỏm cát dài nơi đầu sóng, có một nơi trước đây được mang tên “nghĩa trang cá Ông” với một lòng thành kính của người dân xứ đảo này. Được “quy hoạch” thành những lăng Cá Ông. Cũng những nấm đất với bia mộ, quan tài bằng tre, mỗi năm được một lần cúng giỗ hương khói hết sức chu đáo. Những lăng cá Ông ở Lý Sơn còn được lưu giữ, thờ cúng hàng năm. Hơn ai hết, ngư dân chính là những người yêu biển, gắn bó với biển nhiều nhất.

Ngư dân ở vùng biển đảo xứ này đã làm nên “di sản văn hóa biển”, trong đó tiêu biểu là tục thờ cúng cá Ông. Niềm tin tâm linh xưa cùng với sức mạnh của đất nước ngày nay đã giúp ngư dân thêm vững vàng trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản, làm giàu cho chính mình và cho quê hương, đất nước. Những ngư dân Lý Sơn bao đời nay vững vàng trước sóng gió bể khơi, giờ đây vẫn tin tưởng vào sự tồn tại của cá Ông, như niềm tin vào sự cứu nạn của cá Ông bao đời qua, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ vượt qua cơn bão tố bất ngờ.

Lăng Chánh là nơi thờ cá Ông theo cách gọi của ngư dân địa phương

Lão ngư Trương Văn Đông kể, mấy trăm năm qua từ khi người dân xứ đảo định cư ở nơi này, thì lăng cá Ông cũng tọa lạc trên vùng cát trắng rộng, giữa rừng dương vi vu trong gió, trong tiếng sóng triều rì rào từ mép biển vọng vào. Không ai biết ngôi mộ cá Ông đầu tiên ở đây được chôn cất từ lúc nào. Người ta chỉ biết qua những câu chuyện được truyền lại từ đời này sang đời khác mà vẫn không mai một thất truyền. Cái tục lệ của ngư dân biển, sống nhờ biển và mang ơn biển được người dân ghi nhớ trong tâm khảm qua việc thờ Ông. Loài cá to lớn của đại dương nhưng mang một sức mạnh huyền bí lạ kỳ. Ông Đông kể: “Từ hồi tui còn nhỏ đã thấy có lăng các Ngài rồi. Các Ngài linh lắm! Khi sống là thần cứu nạn tàu thuyền giữa biển nguy nan, khi lụy về đây thành thần phù hộ dân làng chài mạnh tay tinh mắt rượt theo đúng luồng tôm cá, ra khơi trở về tôm cá đầy khoang...”. Và rồi, từ những ngôi mộ ấy đã được dân làng lập thành những lăng nhỏ để thờ cá Ông.

Đối với tâm linh của các ngư dân, cá Ông là một vị thần của Biển Đông được nhân dân sùng bái, chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa biển khơi.

Vì thế, tục thờ cúng cá Ông đã ra đời nhằm cầu an cho các ngư thuyền ra khơi và mong được mẻ cá lớn. Tục này thời các chúa Nguyễn đã thành lệ. Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn, thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

Cũng như bao thăng trầm sóng gió biển khơi, những lăng thờ cá Ông nhiều nơi khác cũng nằm trong vòng xoáy của bể đời. Nhưng may mắn thay, người Lý Sơn vẫn còn một niềm tin với biển cả. Hầu hết các lăng thờ cá Ông trên đảo Lý Sơn đều được gìn giữ. Trong mỗi lăng, đều thờ cúng rất nhiều bộ xương cá Ông. Ông Độ, một bậc cao niên cho biết, nét độc đáo trong thờ cúng cá Ông ở Lý Sơn là không chỉ ngư dân, mà với cả cư dân sống dựa vào nông nghiệp hay buôn bán cũng đều thờ cúng cá Ông, xem cá Ông như một vị phúc thần, tiêu biểu là ở lăng Cồn Trong (xã An Vĩnh), lăng Đông Hải (xã An Hải)...

Ông Dương Hữu Nghĩa, Phó BQL Đình làng An Hải cho biết, trong hàng chục lăng thờ tự cá Ông ở Lý Sơn, lăng Tân (còn gọi là Sở Đại Dương) ở thôn Đông, xã An Vĩnh là nơi có nhiều bộ xương cá Voi có niên đại hơn 200 năm và lớn nhất trên đảo Lý Sơn. Lăng Tân còn lưu giữ hai bộ xương cá Voi khổng lồ, trong đó cá Voi Xám (ông Đại Dương) dài 21m, lúc còn sống nặng khoảng 72 tấn và cá Voi Lưng Gù (ông Đức Ngư) dài 17m, nặng 55 tấn. Hiện lăng Tân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhiều Lăng khác như: Cồn, Đông Hải... lưu giữ xương cá voi trên đảo Lý Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Huyện đảo Lý Sơn hiện là nơi lưu giữ xương cá voi vào loại nhiều nhất nước. Hàng chục lăng trên đảo đang thờ tự loài cá này theo nghi thức tín ngưỡng dân gian miền biển. Xâu chuỗi lại có thể xem đây là bảo tàng xương cá voi độc đáo gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ hàng trăm năm qua.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tục thờ cúng cá Ông không chỉ có ở Quảng Ngãi mà còn rải rác khắp dải đất ven biển miền Trung này. Đây có thể được xem là di sản văn hóa biển của người dân Việt, ở đó có niềm tin tâm linh vào biển cả, có sự cố kết hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, ở đó còn có cả sự khẳng định chủ quyền đánh bắt trên biển của ngư dân Việt”. Những lăng thờ cá Ông, trong tâm tưởng người dân xứ đảo này, vẫn như một di sản tinh thần quý hiếm hình thành từ nền văn hóa vùng biển của người Việt từ lâu đời.

Những dữ liệu khoa học cũng đã giải thích cho hiện tượng cá voi hay cứu người một cách khách quan. Khi thời tiết xấu và biển động dữ dội, cá voi lặn sâu để được yên tĩnh. Biển càng động thì cá voi càng lặn sâu. Nhưng vì cần phải hô hấp nên thỉnh thoảng nó lại phải trồi lên mặt nước. Nếu việc trồi lên lặn xuống kéo dài nhiều ngày đêm thì cá voi sẽ kiệt sức đến chết, nó sẽ trôi theo dòng nước và được sóng đưa vào bờ. Bên cạnh đó, bão tố thường xuyên xuất hiện trên biển cũng là một nguyên nhân khiến cho loài cá này thường tìm một nơi ẩn náu, đó chính là những con thuyền của ngư dân. Do bất ngờ vì bão tố và không thể trốn lâu dưới nước sâu, cá voi phải rình chờ khi thuyền bè đi qua thì sáp lại mạn thuyền, dựa lưng vào thuyền tránh bão và cùng được sóng đưa vào bờ.

(Nguồn: Tiêu Dao, An ninh Thế giới, Thứ Ba, 05/07/2022, 22:43 (GMT+7))