Englishen

Một ngày ở thác Dambri

Thứ ba, 05/04/2022, 09:25 GMT+7

Du khách trải nghiệm đường trượt 1.650 m, đạp vịt dưới hồ, ngồi đu quay quan sát núi rừng Tây Nguyên từ trên cao...

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-1_1

Khu du lịch sinh thái Dambri nằm ở thôn 14, xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc. Tại quần thể này, ngoài khám phá thác Dambri, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng khác.

Với người 12 tuổi trở lên, vé vào cổng là 200.000 đồng. Trẻ em 5-11 tuổi vé 100.000 đồng. Giá vé bao gồm tất cả hoạt động trải nghiệm để bạn thư giãn cả một ngày.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-2_1

Điểm nhấn của khu du lịch là thác Dambri. Thác cao hơn 60 m, độ rộng 30 m, với những khối nước khổng lồ từ trên cao dội xuống tung bọt trắng xóa như dải lụa khổng lồ, tạo nên cảnh tượng huyền bí và hùng vĩ.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-3_1

Dambri còn có tên gọi là thác "đợi chờ" theo truyền thuyết người K'Ho, gợi lại câu chuyện tình buồn của chàng K'Đam và nàng D'B'Ri.

Thưở xưa, K'Đam và D'B'Ri yêu nhau và thường hẹn hò bên thác nước. Bất hạnh xảy ra khi họ không thể chung sống cùng nhau vì những tranh chấp, xung đột giữa hai bộ tộc. Vì buồn không lấy được người mình yêu, một ngày nọ K'Đam lặng lẽ rời bỏ buôn làng đi sâu vào rừng. D'B'Ri hay tin đã vượt bao cánh rừng và suối, qua bao con trăng tròn và những mùa rẫy. Nàng cứ đi tìm hoài, tìm mãi nhưng không thấy người yêu.

Thất vọng, D'B'Ri trở về khu rừng gần buôn làng đợi chờ, hy vọng chàng trở về nhưng không đạt ước nguyện. D'B'Ri ngồi khóc mãi đến khi lệ chảy dài, tạo thành dòng suối, trở thành thác nước như ngày nay. Thương cảm và tưởng nhớ tình yêu chung thủy của đôi trai gái, dân làng hai bộ tộc đặt tên dòng thác là Dambri, trong tiếng K'ho nghĩ là "đợi chờ".

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-4_1

Với những du khách thích khám phá, họ sẽ đi bộ qua 138 bậc thang, men dọc vách đá và sườn núi để xuống chân thác. Gần chân thác, chủ đầu tư đã bố trí nhiều bàn ghế đá để du khách nghỉ ngơi trước khi chinh phục những hành trình tiếp theo.

"Từ sườn núi, tôi có thêm nhiều hướng quan sát để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, dòng suối và thác nước hùng vĩ. Tuy nhiên, các bậc thang rất trơn, khi di chuyển phải cận thận để tránh bị trượt ngã", anh Trần Đình Hải (trong ảnh, trú thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm), nói.

Du khách không đủ sức khỏe để đi thang bộ có thể sử dụng thang máy với kết cấu kính trong suốt, từ thang cũng có thể ngắm cảnh.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-5_2

Từ đầu lối thang đá đi bộ xuống chân thác mất khoảng 15 phút. Nhiều du khách thường chọn trải nghiệm đi bộ thay vì thang máy.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-6_1

Dưới chân thác có cầu hình tam giác với 3 tọa độ, bắc qua suối và những vách đá gồ ghề. Ba tọa độ tương ứng với ba điểm dừng chân, du khách thường chọn những điểm này để ngắm dòng nước cuồn cuộn.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-7_1

Khám phá xong thác, du khách thường sử dụng thang máy được bố trí bên phải thác để đi lên phía trên, tiếp tục trải nghiệm các dịch vụ khác.

Bên góc trái của khu du lịch, chủ đầu tư đã mô phỏng mô hình chùa Một Cột ở Hà Nội, bên cạnh là hồ sen, nhà tạm trú, những chiếc ghế cổ... để mọi người có thể ngồi hóng mát, chụp hình lưu niệm.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-8_1

Để đến một số khu vui chơi khác trong khuôn viên, du khách phải đi qua cầu treo dài hàng chục mét, phía dưới kết gỗ, hai bên là dây văng thép.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-9_1

Qua cầu treo là đến hệ thống đu quay lồng cao 36 m. Đu quay như một bánh xe khổng lồ, ngồi từ trên cao có thể ngắm nhìn toàn cảnh thác Dambri cũng như núi rừng Tây Nguyên ở xã Đam Bri.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-10_1

Khu vui chơi giải trí bến thuyền cách thác Dambri hơn 100 m có dịch vụ đạp vịt ngắm cảnh hồ nước trong xanh. Khi lên thuyền bắt buộc phải mặc áo phao. Một thuyền chỉ được chở tối đa hai người lớn và trẻ em dưới 3 tuổi.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-11_2

Đường trượt bằng sắt dài 1.650 m dành cho người thích mạo hiểm. Khi ngồi lên máng trượt, mọi người sẽ có khoảng 10-15 phút "thót tim" khi đi qua những cung đường uốn lượn từ cao xuống thấp nằm giữa những cánh rừng thông bạt ngàn cùng một số vườn hoa. Điểm cuối của đường trượt là thác Đasara - một thác nhỏ nằm trong khu du lịch Dambri.

Đường trượt có một số điểm chụp hình tự động. Nhân viên đứng dưới sẽ phát loa, yêu cầu du khách mỉm cười hoặc vẫy tay để tạo điểm nhấn khi máy tự động chụp hình. Hết hành trình, nếu ai thích lưu giữ kỷ niệm có thể lại yêu cầu tổ kỹ thuật in hình ra, một tấm giá 50.000 đồng.

TSTtourist-mot-ngay-o-thac-dambri-12_1

Thác Đasara tuôn nước ở độ cao hàng chục mét, nhiều người thường chọn nơi này là điểm cuối để chinh phục khi khám phá thác Dambri và trải nghiệm các dịch vụ trong quần thể khu du lịch.

Check-in xong thác Đasara, du khách sẽ sử dụng hệ thống đường trượt khứ hồi, đi theo chiều thẳng nối với nhà điều hành để kết thúc hành trình.

(Nguồn: Đức Hùng, VN Express, Thứ hai, 4/4/2022, 02:11 (GMT+7))