Englishen

Giải pháp nào thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn?

Thứ sáu, 08/10/2021, 13:56 GMT+7

Cũng giống như nhiều địa phương khác, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Lạng Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề. Tận dụng, phát huy những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Lạng Sơn đang từng bước khắc phục những khó khăn, hồi phục và phát triển ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Với vị trí là phên dậu phía Đông Bắc của tổ quốc, Lạng Sơn được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc núi non hùng vĩ. Đây cũng là vùng đất với truyền thống lịch sử lâu đời, nơi có rất nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng được người dân, du khách tập phương tìm về. Cũng giống như nhiều địa phương khác, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch nơi đây chịu ảnh hưởng nặng nề. Một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đề ra đó là “phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Tận dụng, phát huy những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Lạng Sơn đang từng bước khắc phục những khó khăn, hồi phục và phát triển ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới để cụ thể hóa mục tiêu này.

1_18Khu du lịch Mẫu Sơn

Nhắc đến du lịch Lạng Sơn không thể không nhắc đến Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn - quần thể những ngọn núi lớn nhỏ có độ cao 800 – 1000 m so với mực nước biển. Khí hậu nơi đây rất đặc biệt, mát mẻ vào mùa hè, có hiện tượng băng giá, tuyết rơi vào mùa đông. Đây cũng là nơi chứa đựng nền văn hóa, đời sống đặc sắc, khi hội tụ nhiều dân tộc như Kinh, Dao, Tày, Nùng, với các tập quán, phong tục, lễ hội đặc trưng riêng.

Mặc dù có rất nhiều tiềm năng lợi thế tuy nhiên trong nhiều năm qua, lượng khách đến với Mẫu Sơn vẫn chủ yếu là tự phát, trong khi hệ thống cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu, các cơ sở vui chơi giải trí chưa được đầu tư...  Người ta vẫn thường ví Mẫu Sơn như “một nàng công chúa ngủ say đợi hoàng tử đến đánh thức”.

Trước thực trạng này, Lạng Sơn đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật để từng bước hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án thuộc Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn. Dẫu vậy, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ mang đậm bản săc văn hóa dân tộc vẫn đủ sức hấp dẫn nhiều du khách khó tính.

2_2Lạng Sơn là vùng đất phát triển du lịch tâm linh với hệ thống đình chùa, miếu mạo dọc khắp tỉnh như: Đền Bắc Lệ, Đền Kỳ cùng – Tà phủ, Đền Mẫu Đồng Đăng, Chùa Tân Thanh, Chùa Thành

Đứng trên đỉnh Mẫu Sơn, chị Phạm Thị Thu cảm nhận: “Xứ Lạng là một vùng đất đẹp. Mẫu Sơn là người mẹ núi, và tôi nghĩ đó là cội nguồn của chúng ta. Một cảm xúc vô cùng đặc biệt khi ở không gian khoáng đạt như thế này.”

“Tôi cảm thấy giống như đến với một thế giới khác, bởi vì không khí ở thành phố, cuộc sống ở thành phố quá bó hẹp. Khi đứng giữa quang cảnh thiên nhiên này cảm giác mình thật sự nhỏ bé và được yêu thương rất nhiều. Nếu có dịp chắc chắn tôi sẽ muốn quay lại”, chị Nguyễn Linh Huệ cho biết.

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú của nhiều dân tộc anh em cùng những món ăn độc đáo đậm đà hương vị vùng cao là những lợi thế để Lạng Sơn phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến các điểm du lịch cộng đồng ở xã Hữu Liên, Hữu Thịnh (huyện Hữu Lũng), điểm du lịch Suối Mỏ Mắm (xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn) hay thác Đăng Mò, xã Mông Ân (huyện Bình Gia)...  

Tập trung phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, liên kết các tour tuyến cũng là 1 trong những chiến lược trọng tâm trong phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua. Qua những lớp tập huấn du lịch, bước đầu người dân đã nâng cao nhận thức, qua đó cùng với chính quyền địa phương và ngành du lịch tỉnh nhà nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường những hoạt động kết nối, quảng bá để khai thác tốt hơn loại hình du lịch này.

3_15Tập trung phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, liên kết các tour tuyến cũng là 1 trong những chiến lược trọng tâm trong phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn

Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn, nêu quan điểm: “Trong thời gian này chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch như đồ lưu niệm, các sản phẩm OCOP… Đồng thời tập trung khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng. Hiện trên địa bàn có 5 làng du lịch sinh thái cộng đồng. Gần đây nhất nhằm “thức tỉnh” các doanh nghiệp du lịch, chúng tôi đã tổ chức khảo sát 1 số điểm sinh thái, tổ chức tọa đàm để các doanh nghiệp có thể trao đổi, đưa ra những ý kiến để cùng nhau xây dựng phát triển loại hình du lịch này để ngay sau khi kết thúc đại dịch sẽ sớm đưa vào khai thác để phục vụ du khách tốt nhất.”

Nếu du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng là những cách thức làm du lịch mới mẻ, thì lâu nay, du khách thập phương vẫn luôn ấn tượng và nhắc đến Lạng Sơn là vùng đất phát triển du lịch tâm linh. Nơi đây có hệ thống đình chùa, miếu mạo dọc khắp tỉnh như: Đền Bắc Lệ, Đền Kỳ cùng - Tà phủ, Đền Mẫu Đồng Đăng, Chùa Tân Thanh, Chùa Thành…, trong đó có những ngôi chùa nằm sát đường biên giới Việt – Trung.

Với bề dày văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời, đặc biệt nổi tiếng với tín ngưỡng thờ Mẫu, hiện Lạng Sơn có hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc, thu hút đông đảo du khách, phật tử thập phương.

Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Ủy viên Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn nói: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn làm tốt chức trách của mình để những ngôi chùa đẹp về văn hóa, đẹp về cảnh quan để mọi người đến lễ phật, hướng thiện, đấy là mục đích cao nhất. Bên cạnh đó cũng góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Lạng Sơn, chúng tôi luôn luôn định hướng là những ngôi chùa trên địa bàn Lạng Sơn phải được xây dựng đẹp, phải được giữ gìn những bản sắc vốn có, phải đảm bảo công tác phòng chống dịch ở mức cao nhất, thể hiện văn hóa, văn minh, an toàn và lịch sự, đúng bản sắc của Phật giáo”.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và trở thành một trong những trọng điểm du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống hạ tầng đồng bộ; du lịch đóng góp 10% vào GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tập trung đào tạo nhân lực, hình thành chuỗi liên kết du lịch giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, mời gọi nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối… là những giải pháp mà địa phương này đang tích cực triển khai để phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới, cụ thể hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Lạng Sơn đang thực hiện đồng bộ những giải pháp để phục hồi ngành du lịch nhưng vẫn đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, đồng hành, phối hợp với các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong thời điểm này; Quan tâm đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hơn. Cùng với đó, Sở cũng đang tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án du lịch thông minh, trong đó tập trung xây dựng các tour, tuyến du lịch, tập trung vào các điểm du lịch cộng đồng gắn với an toàn phòng chống dịch bệnh... Cuối năm nay Lạng Sơn sẽ kỉ niệm 190 năm thành lập tỉnh, đây là dịp để quảng bá truyền thống, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, cũng là dịp tuyên truyền quảng bá những tiềm năng thế mạnh của du lịch tỉnh nhà đến với bạn bè muôn phương để tiếp tục thu hút khách du lịch cũng như các nhà đầu tư đến với Lạng Sơn.”

Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có, tỉnh Lạng Sơn mong muốn trong thoài gian tới sẽ mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn; thu hút nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để biến những tiềm năng thành đòn bẩy phát triển, đưa du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch, bứt phá đi lên trong những năm tới, góp phần tích cực xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn trong mắt của bạn bè quốc tế.

(Nguồn: Duy Thái, VOV, Thứ Năm, 07/10/2021, 17:00 (GMT+7))