Englishen

Du lịch Hải Phòng phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Thứ năm, 21/04/2022, 09:09 GMT+7

Ngày 20/4 tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức hội thảo với chủ đề "Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng bứt phá".

TSTtourist-du-lich-hai-phong-phat-trien-chua-tuong-xung-tiem-nang-1Một góc quần đảo Cát Bà được chụp bằng flycam. Ảnh: Giang Chinh

Hội thảo tập trung thảo luận những lợi thế vốn có, những tồn tại, vướng mắc của du lịch Hải Phòng để tìm ra các giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch thành phố nói chung, Cát Bà nói riêng.

Theo Sở Du lịch, Hải Phòng là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông gồm: đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không được kết nối đồng bộ, thông suốt.

Bên cạnh thế mạnh về văn hóa, lịch sử, Hải Phòng có lợi thế rất lớn về du lịch biển đảo. Ngoài Đồ Sơn, Cát Bà đang là điểm du lịch nổi tiếng được du khách biết đến với 5 danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển, Vịnh Lan Hạ - Top vịnh đẹp nhất thế giới được Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) bầu chọn ngày 26/1/2020.

Ngoài ra, Hải Phòng còn sở hữu nguồn khoáng nóng tự nhiên có giá trị tại đảo Cát Bà và huyện Tiên Lãng. Việc khai thác và đưa khoáng nóng vào phục vụ du lịch, đặc biệt là vào các tổ hợp du lịch lớn sẽ tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe rất tốt, làm phong phú và là một phần quan trọng đối với du lịch nghỉ dưỡng...

TSTtourist-du-lich-hai-phong-phat-trien-chua-tuong-xung-tiem-nang-2Dịch Covid-19 được khống chế, Hải Phòng đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến với đảo Cát Bà kể từ ngày 15/3. Trong ảnh, khách du lịch chuẩn bị xuống tàu tham quan vịnh Lan Hạ - Top vịnh đẹp nhất thế giới được Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) bầu chọn ngày 26/1/2020. Ảnh: Giang Chinh

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhưng chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Năm 2019, Hải Phòng mới đón được khoảng 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong tổng số 18 triệu khách của Việt Nam.

Lý do, theo ông Phúc, là Hải Phòng còn tồn tại một số hạn chế như: tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; môi trường du lịch chưa được xử lý dứt điểm, nhất là vào dịp cao điểm khách du lịch nội địa. Tình trạng các phương tiện chở khách ùn tắc tại phà bến phà Gót - Cái Viềng trên cung đường ra đảo Cát Bà vào các ngày nghỉ lễ chưa được cải thiện, gây bức xúc. Các dịch vụ bổ trợ, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị... còn thiếu, chưa tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế.

Đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng Hải Phòng nên tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hoá, khai thác lợi thế, tiềm năng của thành phố, kết nối với các tỉnh thành trên cả nước để tạo ra hành lang du lịch an toàn nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách và hình thành tour du lịch trọn gói. Việc tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau và phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại... cũng là việc quan trọng.

Hải Phòng cũng cần định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư phát triển các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng khả năng chi tiêu và đa dạng hóa các hoạt động của khách du lịch khi đến; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, golf, cộng đồng - sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ: lữ hành, khách sạn, vận tải hành khách và các điểm tham quan..

TSTtourist-du-lich-hai-phong-phat-trien-chua-tuong-xung-tiem-nang-3Vịnh Lan Hạ, Cát Bà. Ảnh: GIang Chinh

.Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, và ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đồng quan điểm, để du lịch Hải Phòng bứt phá không chỉ cần sự thay đổi về cơ chế chính sách ở tầm địa phương mà còn phải ở cấp trung ương.

"Tôi cho rằng tất cả các địa phương cần mở cửa cho khách du lịch hơn, để họ đi lại dễ dàng hơn. Truyền thông du lịch quốc tế là một điều cần thiết. Cần cởi mở hơn khi cấp thị thực visa cho khách quốc tế vì việc này còn nhiều bất cập, chưa thông thoáng, không được như thời kỳ trước khi có đại dịch Covid -19", ông Chính nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm bứt phá, đón 14,5 triệu lượt khách (hơn 5 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu đạt hơn 29.000 tỷ đồng trong năm 2019, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết để có con số như vậy, Quảng Ninh đã thay đổi tư duy, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", nghĩa là từ ngành công nghiệp khai khoáng sang dịch vụ du lịch. Từ đó, Quảng Ninh đã quy hoạch du lịch, cũng như quy hoạch các lĩnh vực khác để thay đổi diện mạo về không gian, sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời, Quảng Ninh đã xác định một số ngành mũi nhọn, lấy du lịch làm số một trong các ngành dịch vụ để dẫn dắt các ngành khác.

Theo ông Thanh, muốn tạo sự bứt phá được trong du lịch, các địa phương phải quan tâm vấn đề hạ tầng đầu tiên. "Cảnh quan có đẹp, hấp dẫn đến mấy nhưng không có đường đến thì các nhà làm du lịch không thể dẫn khách đến được.", ông Thanh nói.

Ông Phạm Hà, CEO Tập đoàn Lux Group, cho hay còn môt lý do là chất lượng nhân lực du lịch tại Hải Phòng chưa cao. Sau đại dịch doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng ở Cát Bà thiếu lao động, đặc biệt nhân lực cao cấp. Ông Hà đề nghị thành phố cần có những khóa đào tào, bổ sung nhân lực để tạo đà cho các dịch vụ được cung cấp đến du khách. Đặc biệt trong thời gian tới, Hải Phòng cần xây dựng được một thương hiệu du lịch riêng, cần có thêm các sản phẩm du lịch dịch vụ cao cấp, liên kết với du lịch Quảng Ninh để kết nối các tour du thuyền, tour tham quan liên kết giữa vịnh Lan Hạ với vịnh Hạ Long.

Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Thương Huyền, cho biết du lịch là một trong ba mũi nhọn để phát triển kinh tế của Hải Phòng thời gian tới, cùng với dịch vụ cảng biển và công nghiệp. Thành phố đã có các kế hoạch, bên cạnh đó tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp của cá nhân, đơn vị... cùng các bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng như Tổng cục Du lịch hỗ trợ về thể chế, chính sách, tiếp tục xây dựng các chương trình kích cầu trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.
(Nguồn: VnExpress, Thứ năm, 21/4/2022, 06:13 (GMT+7))