Englishen

Ít hướng dẫn viên nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

Thứ ba, 31/08/2021, 12:56 GMT+7

Thừa Thiên Huế đã phê duyệt hỗ trợ cho 503 cá nhân nhưng con số này ở Hà Nội mới là 31 và nhiều hướng dẫn viên du lịch vẫn lúng túng với thủ tục.

Hai năm xảy ra dịch Covid-19, anh Nguyễn Văn Thanh, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp. Ở nhà, anh bán đủ các mặt hàng từ nông sản, tàu hũ, đồ ăn vặt... để trang trải cuộc sống. Vì thế, chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Chính phủ với anh và cộng đồng hướng dẫn viên là sự quan tâm, động viên thiết thực.

Tuy nhiên anh cũng cho biết, thủ tục bắt buộc có Hợp đồng lao động đầy đủ 10 nội dung theo Luật lao động 2019 hoặc thẻ hội viên của Hội hướng dẫn viên du lịch là điểm mấu chốt để nhận được hỗ trợ. Trong đó nhiều hướng dẫn viên làm tự do, hoặc chỉ có hợp đồng lao động theo tour. Nếu hợp đồng lao động không hợp lệ, một điều kiện khác là có thẻ thành viên Hiệp hội Hướng dẫn viên. Điều này khiến nhiều người bức xúc vì đã có thẻ hành nghề hướng dẫn viên do Sở Du lịch địa phương cấp có thời hạn 5 năm, đủ để chứng minh họ vẫn đang hành nghề.

"Hướng dẫn viên tham gia vào Hiệp hội thời điểm này chỉ để nhận hỗ trợ cũng khiến chúng tôi không thoải mái. Nhiều người đã làm nghề hàng chục năm, đều có kiến thức, kỹ năng và cả ngoại ngữ nhưng giờ phải chứng minh mình là một hướng dẫn viên", anh nói. Hiện nay Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên anh cùng nhiều hướng dẫn viên khác nên cũng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin để gửi hồ sơ.

1_59Anh Thanh dẫn đoàn khách đi châu Âu năm 2019 - Ảnh: NVCC

Trái ngược với anh Thanh, đầu tháng 8/2021, anh Trần Đình Huy (31 tuổi), hướng dẫn viên tự do ở Bình Dương không giấu nổi vui mừng khi nhận được khoản hỗ trợ 3.710.000 đồng. Quá trình nộp hồ sơ, anh không gặp thủ tục nào khó khăn dù gửi qua bưu điện và được Sở Du lịch tỉnh Bình Dương hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiệt tình.

Hồ sơ của anh gồm có đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 10 đi kèm Quyết định, thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP HCM, trực thuộc Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam) và thẻ hướng dẫn viên do tỉnh Bình Dương cấp. Vì là hướng dẫn viên tự do nên năm 2018, anh đã đăng ký là thành viên Hiệp hội, đảm bảo theo Luật Du lịch 2017. Anh cho biết, việc tham gia hiệp hội giúp anh đảm bảo nhiều quyền lợi, so với mức phí đóng hàng năm là 600.000 đồng.

Tính tới ngày 27/8, Sở Du lịch Hà Nội đã phê duyệt 31 trên 84 hồ sơ tiếp nhận. Có 23 hồ sơ đang trong quá trình thẩm định và phê duyệt thêm, còn lại là không đủ điều kiện.

Đại diện Sở du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay các hồ sơ gửi về còn ít so với 5.800 hướng dẫn viên trên địa bàn thành phố, một phần vì yếu tố khách quan là thành phố đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, các cơ quan hành chính thực hiện làm việc trực tuyến và luân phiên nên các công đoạn tiếp nhận, đánh giá hồ sơ và thực hiện chi trả cho những hướng dẫn viên đủ điều kiện vẫn bị gián đoạn. Phần còn lại vì hạn nộp hồ sơ đến cuối năm 2022 nên nhiều hướng dẫn viên đang có tâm lý chờ đợi, tìm hiểu thông tin.

Vị đại diện cho biết điều kiện về hợp đồng lao động đúng với quy định hiện hành là vướng mắc lớn nhất với các hướng dẫn viên khi làm hồ sơ. Các hồ sơ chưa hợp lệ đều được trả lời, hướng dẫn bằng văn bản cụ thể. Sở đã đăng tải hướng dẫn trên website, cập nhật đầy đủ những yêu cầu của Quyết định để hướng dẫn viên theo dõi và chuẩn bị hồ sơ. Trước đó, vào ngày 29/7, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành công văn gửi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên du lịch được Hà Nội cấp thẻ về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

2_52Tổng số hướng dẫn viên cả nước (tính đến thời điểm trước năm 2020 khi chưa có dịch Covid-19) là khoảng trên 28.000 người - Ảnh: Nguyễn Nam

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhận định nhiều hướng dẫn viên đang lúng túng trong việc làm thủ tục hỗ trợ vì không có hợp đồng lao động đúng quy định. Vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch đã giải thể, gây khó khăn trong việc truy xuất hợp đồng lao động đã ký kết. Tuy nhiên tính tới ngày 27/8, Sở Du lịch đã phê duyệt 536 hồ sơ hỗ trợ và rà soát lại 70 hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ. Trong đó có nhiều thành viên của Hội hướng dẫn viên du lịch Thừa Thiên Huế.

"Rất may mắn từ năm 2020 dù dịch bệnh làm nhiều hướng dẫn viên mất việc, Sở vận động họ đăng ký vào Hội, để đảm bảo quyền lợi và tham gia các khóa tập huấn online. Những người gia hạn vào hội được miễn phí, còn người mới đăng ký đóng 50% phí nên từ đó tới nay có thêm 700 hội viên", ông Phúc cho biết. Hiện nay việc tham gia Hội Hướng dẫn viên cũng hoàn toàn dựa trên tinh thần tình nguyện.

Tới ngày 23/8, Sở Du lịch Nghệ An hoàn tất chi trả đợt một cho 37 hướng dẫn viên du lịch theo Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch. Cùng ngày, UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND về phê duyệt hỗ trợ 20 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do Covid-19 trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2021, với tổng kinh phí gần 74,2 triệu đồng.

Nhiều đại diện các Sở Du lịch địa phương cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến, giải đáp những vướng mắc cho hướng dẫn viên đồng thời tham mưu Bộ chủ quản đề xuất Chính phủ đơn giản hóa thủ tục. Trong đó, một số đề xuất như hướng dẫn viên được hỗ trợ là có thẻ theo quy định; có hợp đồng ngắn hạn theo tour, thời vụ; giấy chứng nhận của doanh nghiệp lữ hành. Trước đó, ngày 22/7 Tổng cục Du lịch đã ban hành công văn hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tổng số hướng dẫn viên cả nước (tính đến thời điểm trước năm 2020 khi chưa có dịch Covid-19) là khoảng trên 28.000 người.

(Nguồn: Lan Hương, VN Express, Chủ nhật, 29/8/2021, 10:11 (GMT+7))