Englishen

8.500 du khách quốc tế đến Việt Nam hậu dịch

Thứ ba, 25/01/2022, 13:34 GMT+7

Giai đoạn đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã nhận được nhiều kết quả tích cực. Đây sẽ là tiền để để ngành du lịch trở lại bình thường từ giữa năm.

Theo báo cáo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến 23/1, hơn 8.500 khách du lịch quốc tế đã đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa và Quảng Nam. Du khách chủ yếu đến từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ và Canada...

Khánh Hòa là địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất với 7.000 lượt, theo sau là Phú Quốc (1.282 khách) và Quảng Nam (239 khách).

Trong quá trình triển khai chương trình, 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, chỉ có một trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế ở Rạch Giá (Kiên Giang). Các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả âm tính sau 3-5 ngày.

33Nhiều tín hiệu tích cực từ chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn một - Ảnh: Unsplash

Phản hồi từ khách du lịch tham gia thí điểm đều tích cực. Họ đánh giá cao khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Dịch vụ và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam cũng tạo niềm tin, sự hài lòng cho du khách.

"Việc triển khai chương trình là liều thuốc tinh thần khích lệ các doanh nghiệp du lịch quyết tâm khôi phục lại hoạt động sau 2 năm gần như đóng cửa. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón du khách quốc tế một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch của đất nước", đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Phía đơn vị này cũng cho biết thời gian triển khai thí điểm chưa dài, lượng khách quốc tế cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, những kết quả tích cực kể trên đã phần nào chứng minh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đồng thời khẳng định năng lực "thích ứng an toàn, linh hoạt" của ngành du lịch.

Bên cạnh các kết quả tích cực, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của giai đoạn một.

Việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi kết nối, thu hút du khách từ những thị trường trọng điểm vốn được miễn thị thực. Sức hấp dẫn của các điểm đến cũng bị suy giảm trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn.

Chương trình thí điểm đón du khách quốc tế giai đoạn một cũng cho thấy hạn chế trong việc thu hút du khách nghỉ dài ngày. Lý do là du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia những chương trình du lịch trọn gói tại các điểm được chỉ định sẵn, trong thời gian tối thiểu 7 ngày. Trong khi đó, du khách quốc tế lại mong muốn tự do di chuyển, lựa chọn dịch vụ ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.

Mặt khác, trong giai đoạn 1, du khách cũng bị hạn chế về phương tiện đi lại khi chỉ có thể nhập cảnh qua đường hàng không. Hai loại hình là đường bộ, đường thủy cũng rất nhiều tiềm năng.

Từ 16/12/2021, Bộ Y tế hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức các tour du lịch đi nước ngoài (outbound). Tuy nhiên, thực tế chưa khả thi do nhiều quốc gia không công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc triển khai nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ hiện cũng gặp khó khăn trong giai đoạn thí điểm.

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ nay đến 30/4, chương trình thí điểm giai đoạn hai sẽ được triển khai. Từ 1/5, du lịch sẽ mở cửa hoàn toàn ở cả 2 thị trường inbound và outbound.

(Nguồn: Anh Tú, Zing news, Thứ hai, 24/1/2022 15:58 (GMT+7))