Englishen

"Hộ chiếu vaccine" - phao cứu sinh của du lịch thế giới

Thứ tư, 09/06/2021, 09:23 GMT+7

Hy Lạp là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực khôi phục du lịch với sự trợ giúp của hộ chiếu vaccine. Tại một bến cảng trên đảo Paxos, Hy Lạp, Panagiotis Mastoras đang kiểm tra những chiếc thuyền chở khách du lịch và đếm ngược đến ngày họ quay lại. Du khách là những người thúc đẩy nền kinh tế tại bãi tắm dài hơn 12 km của biển Ionian, thuộc Địa Trung Hải này.

Hy Lạp chào đón du khách quay trở lại từ 14/5, với điều kiện khách tiêm phòng đầy đủ, những người từng nhiễm nCoV và khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính. Mastoras cho biết đây là cách an toàn nhất: "Chúng tôi đã chạm đáy nên mọi thứ không thể tiếp tục mãi như thế này được, cho phép người tiêm vaccine là giải pháp".

"Xứ sở của những vị thần" là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực khôi phục du lịch với sự trợ giúp của hộ chiếu vaccine. Australia có kế hoạch cấp phép cho du khách đã tiêm phòng đến từ New Zealand và Singapore. Indonesia cho biết có thể đón khách sau tháng 6, nếu họ đến từ các quốc gia có chương trình tiêm chủng thành công.

TUI AG, một trong những nhà điều hành tour du lịch lớn nhất thế giới, cho biết việc tiêm chủng là chìa khóa để phục hồi hoạt động kinh doanh của họ. Hãng tàu du lịch P&O Cruises có trụ sở tại Anh khẳng định không vị khách nào có thể lên tàu của họ vào mùa hè năm nay mà không có giấy chứng nhận tiêm vaccine. Tập đoàn khách sạn Hyatt bắt đầu nghiên cứu hộ chiếu vaccine để giúp khách có thể tham gia vào các cuộc họp tổ chức tại chuỗi cơ sở của mình...

PortAventura World là một khu phức hợp nghỉ dưỡng và công viên giải trí gần Barcelona, Tây Ban Nha với 2.200 phòng. Giám đốc điều hành David Garcia hy vọng hộ chiếu vaccine sẽ giúp họ đón khách quốc tế trong quý 3. Nhưng Michael Blandy người có cổ phần tại 15 khách sạn ở Bồ Đào Nha tỏ ra kém lạc quan hơn. Blandy nói rằng với các chương trình tiêm chủng ở các quốc gia diễn ra vào thời điểm khác nhau, nên tấm vé thông hành này chỉ có thể giúp ích rất nhiều vào cuối năm khi toàn bộ châu Âu đạt miễn dịch cộng đồng.

1400x-1-6957-1623130741
Đảo Paxos, Hy Lạp vắng khách du lịch do Covid-19. Ảnh: LouLou D'aki/Bloomberg

Các hãng hàng không cũng quan tâm đến tấm hộ chiếu "thần thánh". Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho 290 hãng vận tải toàn thế giới, ước tính họ có thể mất 95 tỷ USD tiền mặt vào năm nay. Vì vậy, nhiều hãng đã chấp nhận một số giải pháp công nghệ giúp xác minh kết quả tiêm chủng hoặc xét nghiệm của hành khách. Một trong số đó là ứng dụng IATA Travel Pass, AOKpass (nơi du khách cung cấp các giấy chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính)... Singapore Airlines, Qatar Airways bắt đầu thử nghiệm ứng dụng của IATA. American Airlines sử dụng ứng dụng VeriFly để tạo ra Travel Ready - cho phép hành khách tải lên đó hồ sơ tiêm chủng của mình từ đầu tháng 4.

Tuy nhiên, các ứng dụng này đang gặp phải một số khó khăn. Đó là việc thiếu tiêu chuẩn đồng bộ giữa các nước về tấm hộ chiếu vaccine này. Người đứng đầu liên minh hàng không Star Alliance Jeffrey Goh cho biết việc thiếu đưa ra tiêu chuẩn chung có thể cản trở những nỗ lực phía trên. Do đó, các nước như G7 hay G20 cần đưa ra một chính sách chung trong việc sử dụng tấm giấy thông hành này, để các hãng bay và hành khách dựa vào đó làm căn cứ xét duyệt cho việc đi lại, vận chuyển.

Nhiều người tin rằng những tấm vé này có thể nắm giữ chìa khóa để người sở hữu có thể tiếp xúc với thế giới trong phạm vi rộng lớn hơn. Ngoài ra, nó giúp cho các cuộc hộp họp, kinh doanh, sự kiện thể thao, hòa nhạc... được phép diễn ra thuận lợi.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cuộc sống của mọi người có thể quay trở lại ngay được giống như trước khi có đại dịch. Thực tế, không có mũi tiêm vaccine nào có hiệu quả 100%, nghĩa là khách du lịch đã tiêm hai mũi về lý thuyết vẫn có thể lây lan hoặc bị nhiễm nCoV tại các khu nghỉ dưỡng đông đúc.

Bên cạnh đó là mâu thuẫn giữa các quốc gia. Trong Liên minh châu Âu, các quốc gia ở phía nam nhiều nắng hơn đang tuyệt vọng để hồi sinh du lịch. Vì vậy, họ cởi mở hơn với vấn đề này. Nhưng các quốc gia ở phía bắc, những nơi nền kinh tế không bị phụ thuộc quá nhiều vào du lịch, lại e ngại về hậu quả của việc cho phép đi du lịch.

Bill Barnett, người sáng lập công ty tư vấn khách sạn C9 Hotelworks ở Phuket, Thái Lan nói rằng việc tiêm chủng sẽ không thể xóa đi hết sự lo lắng của người dân về việc du khách đến và làm các ca nhiễm tăng. Mọi người vẫn sợ hãi và đây là lý do nhiều ý kiến đã phản đối khi Phuket có ý định mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nỗi lo lắng cũng là động lực để thúc đẩy việc tiêm vaccine cho người dân trên đảo, dẫn đến việc miễn dịch cộng đồng.

(Nguồn: Anh Minh (Theo Bloomberg), VnExpress, Thứ ba, 8/6/2021, 16:34 (GMT+7)